Thành phố chuyển mùa khi những tàn lá bàng đỏ rực thẩm thấu hết oi ả dữ dội của đằng đẵng bốn tháng hè. Tôi ngồi trong quán cà phê cạnh bên bờ hồ ngược chiều ánh nắng, nhìn những tàn ảnh lấp loáng rơi xuống sâu bên trong mặt hồ. Cái lạnh đầu thu len vào không trung, thoảng về cùng những ký ức Berlin mơ màng chờn vờn trong tâm trí, như một điềm báo về cuộc gọi của Phong. Có gì đó kỳ bí về sự xuất hiện của gã, tới mức tự nhiên luôn tìm cách đưa ra những báo hiệu âm thầm và cẩn mật. 
Lần đầu tiên Phong xuất hiện trước cửa phòng tôi, gã vác theo chiếc va ly dày cộp bằng da nâu, còn dính đầy bụi tuyết ướt sũng trên mớ tóc hơi xoăn, run lập cập vào buổi chiều Berlin lạnh kỷ lục trong gần hai mươi năm. 
“Phong đây, có việc”, gã mở đầu cụt lủn, không chào hỏi, không xã giao, như thể ba năm biệt tích vừa rồi, chỉ là chút khoảng không vô hình không tồn tại ở giữa cái bàn tách hai giường ngủ, mà gã vẽ nên bằng trí tưởng tượng mỗi lần dắt những cô bạn gái người Slovakia say khướt về phòng. 
“Vẫn còn sống à?”
Tôi hỏi, sẵng giọng, không che giấu chút bực tức mà gã vờ như không nghe thấy. Phong không nói gì trong vài giây nghiêm túc lật lại mớ ký ức vừa qua để chắc rằng mình còn ở đó.
“Vẫn còn sống.”
Gã nói và trong thoáng im lặng của cuộc điện thoại, cả tôi nghi ngờ rằng sự sống có thật sự diệu kỳ như người ta vẫn nói. Cái bóng của những sự kiện đã diễn ra vẫn ám ảnh mơ hồ trong cả giọng nói khô rộc đã từng hút hồn những cô nàng dọc bến sông Dahm, hay lúc động viên chúng tôi lê lết bước qua những con đường dốc thoai thoải ở vùng ngoại ô mù tuyết tưởng như không thấy lối về. 
“Còn chụp ảnh không? Có người nhờ tao tìm người chụp ảnh, trả tiền tốt lắm. Với lại, người này khá là đặc biệt, hẳn mày sẽ thấy hứng thú.”
Tôi không hẳn là một người nói nhiều, trong suốt khoảng thời gian giao du với cộng đồng người Việt ở Berlin, Phong thường xuyên là phát ngôn viên đứng ra thay mặt cho tôi trong những cuộc trà dư tửu hậu. Hồi đầu, có vẻ gã cảm thấy đó như là nghĩa vụ, phần như thương tình cho kẻ khù khờ là tôi, phần do bản tính “bè phái” của gã. Với Phong, những ai càng gần với gã, cả về vật lý và địa lý, đều được gã bảo vệ trước những kẻ ngoại lai khác. Và vì tôi và gã cùng chia sẻ chung một cái toa lét, nên sự thân cận của chúng tôi được xếp ở một hàng đặc biệt. Tôi đồ rằng gã cảm thấy có nghĩa vụ phải che chở cho tôi như một thằng em út với ít nhiều kiêu căng nhất định. Chính Phong, mãi về sau trong một lần uống rượu cùng mấy thằng em đã thừa nhận với tôi như thế.
“Những ngày đầu, tao cứ nghĩ mày là một thằng mọt sách lừ đừ, mà tao thì không thích mấy thằng như thế. Thế mà tao lại có cảm giác quý nó, có lẽ mày làm tao liên tưởng tới đứa em kế ngày trước. Mãi đến hôm tao bắt gặp mày thập thò bước vào quán rượu với hai em đĩ người Ba Lan. Mày đừng chối, tao nhìn là nhận ra ngay, lẫn vào đâu được. Tao mới nghĩ, à khỉ thật, cái mặt tẩm ngẩm của mày hoá ra cũng biết thưởng thức vui thú cuộc đời ra phết, mà lại còn hẳn hai em. Tao vừa đi vừa nghĩ, thế quái nào, mình ở một gần thằng này lâu như thế, mà lại chẳng biết thằng Lâm nó lại như thế. Tao tò mò quá, đã đi quá hai ga rồi, nhưng tao nhất quyết nhảy xuống, đi bộ ngược trở lại. Tao ra quầy, gọi một ly bia đen, vừa láo liên nhìn quanh tìm nó, giả vờ như tìm chỗ ngồi. Hoá ra, nó chui vào một góc kín, chỗ mấy cái sofa che khuất, chúng mày biết tao nhìn thấy gì không? Hai con nhỏ khóc rưng rức, ngồi đối diện Lâm, khóc chảy cả mát-ca-ra mà không thèm lau. Tao vội ngồi xuống, chếch chếch đấy, xem xem thằng này đang làm gì. Lâm nó ngồi quay lưng lại tao, nên tao không thấy mặt nó. Một lúc sau, Lâm lôi máy ảnh ra, với cái đèn flash bật đánh tanh tách, nó chụp hai cô gái đĩ, khoác vai nhau, nước mắt vẫn còn rơi lã chã. Chả quan tâm trang điểm, tóc tai, hai đứa chúng nó cứ ngồi đấy, lồ lộ, trân trân, phô hết cả ra linh hồn trước mặt thằng Lâm. Cái ánh nhìn của chúng nó, quái dị lắm. Tao chẳng cần nhìn cái ảnh nó in ra, cũng biết cái ảnh đấy phải khiếp lắm, hay lắm. Lúc ấy tao mới vỗ đùi, ra thế, khỉ thật, cái trò nhiếp ảnh của thằng này, cũng ma quái lắm chứ.”
Kể cả trong cái lúc say ấy, trước mặt mấy thằng đàn em, Phong cũng cố tình kể câu chuyện để nâng hình tượng tôi lên trong mắt chúng nó, cũng là để nâng gã lên, đúng cái kiểu “bè phái” gã vẫn hay làm. Tuy nhiên, quả thực trong thái độ của Phong đối với tôi sau lần đó khác đi nhanh chóng, dù chẳng thể điểm lại bằng hành động. Thậm chí, tôi cảm giác gã còn âm thầm giới với tôi những kẻ gã cho là “đặc biệt” theo lối đánh giá tinh mãnh của gã. Chỉ một lần nhìn tôi cầm máy, gã đã biết cách thức hoạt động và đối tượng mà tôi hứng thú hướng ống kính máy ảnh tới, đôi lúc, còn rõ hơn tôi. 
Ngược lại, Phong vẫn luôn từ chối ống kính máy ảnh. Từ những chiếc ảnh vui vẻ của những cuộc tiệc tùng, đến những lần tôi mời gọi gã để tôi chụp một vài chiếc ảnh chân dung trong những góc phòng chiều tà dịu nắng của Berlin. 
“Đối phương trả một khoản kha khá chỉ để gặp mặt, không có ràng buộc nào phải nhận lời. Cứ thử xem.”
Tôi đã chần chừ quá ba mươi giây, và đột nhiên cảm thấy quá già để lại lao vào những rắc rối đi cùng gã. Phong im lặng như cách hắn vẫn luôn biết dẫn dụ tôi, nhẫn nại chờ tôi tự bỏ qua cơ hội từ chối. 
“Thế nhé. Xong việc rồi gặp nhau sau.”
Và gã cúp máy, vứt lại một lời hứa hẹn vu vơ. 
Vài phút sau, một cuộc gọi từ số lạ tới. Tôi nhấc máy, giọng một người đàn ông, có chút gì đó từa tựa với giọng của Phong, nhưng cứng rắn và già dặn hơn. Anh ta tên Khánh, một nhà kinh doanh vật liệu xây dựng, theo như tôi hiểu, anh ta có ý tưởng về một bộ ảnh muốn được thực hiện và sẵn sàng trả giá cao. Việc chia sẻ ý tưởng cần được thực hiện bảo mật, và tôi sẽ phải ký một hợp đồng cam kết không tiết lộ nội dung, bù lại, anh ta sẽ trả một khoản tiền tương đối hào phóng cho một buổi gặp mặt nói chuyện và chúng tôi sẽ chỉ bắt đầu làm việc với nhau nếu mọi thoả thuận diễn ra tốt đẹp. 
Đã một thời gian, tôi đã không còn háo hứng mỗi khi khoác lên vai chiếc máy ảnh. Áp lực về đồng tiền không còn đủ mạnh để thôi thúc tôi phấn khởi trước mỗi buổi chụp, và đôi khi tôi cảm thấy chán ngấy sự lặp lại của những khuôn mặt với cá tính tẻ nhạt và nhu cầu ghi lại vẻ đẹp một cách chung chung, hời hợt. Cùng một lý do mà mà thời gian đầu ở Berlin tôi có xu hướng xa lánh những kẻ đồng hành nhạt nhẽo vô vị, đáng ngán tới mức mỗi cuộc chuyện trò sau khi nghe câu đầu tiên người ta có thể biết trước cả diễn biến và đoạn kết, mà tôi không có đủ nhẫn nại để lắng nghe chỉ vì họ có cùng gốc gác. Tất nhiên, bởi sự kén chọn nửa vô thức và nửa có ý thức, những kẻ tôi tìm thấy có một sự hấp dẫn, thú vị nhất định tương đối ít. Và trong những đối tượng đó, những người tìm thấy tôi xứng đáng với sự thú vị của họ lại càng ít hơn. Bởi vậy trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, tôi có xu hướng tìm thấy những kẻ thú vị nhất định, có ít nhiều hảo cảm với bản thân, kết thân với họ và chơi với bất cứ ai trong vòng giao tiếp của họ. Phải thừa nhận, Phong có một sức hấp dẫn tuyệt đối với đủ những thành phần bất hảo và kỳ dị trong xã hội. Tôi đã từng nghĩ mãi về phẩm chất đặc biệt của gã. Trong thời gian tôi và Phong chia đôi căn hộ ở Berlin, tới khi chúng tôi đủ tiền chuyển sang một căn chung cư hai phòng ngủ, tôi đã có vòng quan hệ rộng nhất trong suốt hai mười mấy năm cuộc đời của mình. 
Từ lúc điện thoại rung, và tôi gần như đã biết mình sẽ chẳng thể từ chối lời mời gọi về việc chụp ảnh cho người Phong giới thiệu. 
Khánh hẹn tôi ở một quán cà phê bình dân, khoảng sân có một bụi hoa giấy sà xuống từ trên gác xép với cửa sổ bằng gỗ. Một đôi trai gái độ tuổi sinh viên ngồi đối diện nhau, mê mẩn. Tôi gọi một cốc nâu đá và ngồi chờ Khánh. Tôi thường đến trước những cuộc hẹn như này khoảng nửa tiếng, cho phép bản thân được lựa chọn vị trí đối tượng sẽ ngồi cũng như góc ánh sáng và bối cảnh thuận tiện để tôi quan sát người mình sẽ làm việc cùng. Bức tường xi măng nứt toác, đã được sơn lại vài lần nhưng bợt đi theo gió mưa, có lẽ một bối cảnh phù hợp với tôi hơn người đối diện, nhưng ai biết.
Chín giờ kém năm, Khánh xuất hiện, mặc một chiếc quần bò thụng màu xanh xám, mặc áo sơ mi kẻ sọc. Gã bước vào qua cửa, đảo mắt một vòng rồi bước thẳng về phía tôi. Mảnh sân dài và hẹp, đón những tia nắng xiên ngang đổ bóng xuống thân hình cao dỏng và đậm người của Khánh. Gã gật đầu chào tôi, không có màn bắt tay kiểu cách nào. Cô bé phục vụ nhỏ người và dễ mến, có vẻ như đã quen với vị khách trước mặt, vui vẻ bước vào chuẩn bị đồ uống cho Khánh. 
Gã đưa cho tôi một tập tài liệu để trong túi bìa kẹp hồ sơ bằng da lộn.
“Cậu cứ xem qua hợp đồng này. Còn về dự án ảnh kia, không cần trả lời vội. Miễn là, nếu cậu không nhận, thì cũng không được tiết lộ với ai.”
Giọng Khánh dễ chịu, có phần thoải mái, nhưng tôi biết mình không nên coi thường yêu cầu của gã. Nội dung hợp đồng cam kết bảo mật thông tin khá đơn giản. Khánh trình bày với tôi ý tưởng về bộ ảnh gã muốn thực hiện, đổi lại, tôi đưa ra những góp ý cơ bản và mức phí dịch vụ tương ứng. Tôi gật đầu, nhanh chóng ký tên. Chiếc bút máy Khánh kẹp vào tấm bìa, màu đen nhánh có viền bằng bạc, chạm khắc một chữ ký tên gã rất đẹp, xoáy tròn vào nhau như một cơn bão. 
Khánh cầm tờ hợp đồng lướt qua, nhanh chóng cất gọn lại vào chiếc cặp da màu đen sần, không nhãn hiệu và lấy ra một tập tài liệu khác cùng một phong bì có logo hình chiếc tàu. Tập tiền dày làm phồng lên phần đáy, tôi cố gắng không nhìn vào nó và đặt sang một bên, nhưng Khánh chủ động bảo tôi cất gọn vào túi áo vì khu vực này thường có trộm cắp vặt.
Khánh nhìn tôi chăm chú, trước khi cất lời. Lần đầu tiên tôi thấy gã do dự, và tôi biết mình là người đầu tiên Khánh tìm tới. Sự chú ý của tôi đột ngột chuyển về tập hồ sơ trước mặt. 
“Phong nhắc nhiều về cậu. Trong số những người trẻ cậu ta tiếp xúc trong lĩnh vực nghệ thuật, cậu luôn hoàn thành công việc được giao.”
Nguyên văn từ Phong hay dùng là “một thằng tư bản làm nghệ thuật”. Cái biệt danh đó từng một thời nổi tiếng ở Berlin nhờ khả năng quảng cáo tinh tế của Phong. Người ta đổ xô đến đặt lịch chụp ảnh, và đi kèm với không ít những rắc rối theo sau. 
Cô bé nhân viên bưng lên hay ly cà phê, đặt lên một tấm lót cốc bằng gỗ đã ngả màu rồi nhanh chóng quay về góc phòng. Trước khi tiếp tục với cuốn sách về tình yêu đang đọc, cô liếc mắt nhìn Khánh và bất ngờ giật mình khi gặp ánh nhìn của tôi. Tôi và Khánh nhìn nhau cười. Lần đầu tiên, tôi nhìn vào mắt gã. Khoé mắt nhếch lên theo nụ cười, vẻ hào sảng và thoải mái của gã đàn ông ngoài bốn mươi, đã bươn trải và thành công đủ để không còn cần phải gồng mình lên thể hiện. Chiếc mũi phập phồng hếch nhẹ, kiêu căng lịch thiệp. Chỉ có làn da xám nhẹ, ám chỉ một điều gì thiếu hụt trên gương mặt cân đối của gã đàn ông đối diện. 
“Được, thế chúng ta vào việc nhé”




















You may also like

Back to Top