Thế Giới Không Còn Chỗ Cho Sự Cực Đoan

A timid observation on the world.

“Nhưng tôi xin lỗi. Tôi không hiểu chuyện kỹ năng phi thường trên giường ngủ của ông ta thì có liên quan gì đến cung Si thứ.”
Tar chất vấn, trong cuộc tranh luận với một nam sinh từ chối thưởng thức âm nhạc của Bach vì cho rằng ông ta coi thường phụ nữ khi lấy quá nhiều vợ và có quá nhiều con.
Tranh luận về việc những tác phẩm nghệ thuật có nên bị đánh giá bởi đời tư của nghệ sĩ đã trở nên phổ biến trong xã hội đương đại. Đạo diễn, kiêm biên kịch của bộ phim - Todd Field, đưa người xem đến với một góc nhìn hàn lâm của nghệ thuật vị nghệ thuật.
Bộ phim mở đầu bằng buổi phỏng vấn với Adam Gopnik - nhà báo, nhà phê bình nổi tiếng cả trong phim và ngoài đời thực, tạo nên sức thuyết phục cho lời giới thiệu về hồ sơ gồm hầu hết các giải thưởng danh giá, vị trí và tầm ảnh hưởng không phải bàn cãi của nữ nhạc trưởng Lydia Tar. 
Sự thành công của một nữ nhạc trưởng trở thành tiêu điểm để gã nhà báo Adam Gopnik đặt câu hỏi. Câu hỏi tưởng như nhằm tôn vinh nỗ lực nữ giới nhanh chóng bị Cate Blanchet với diễn xuất hoàn hảo cho vai Lydia Tar, thể hiện sự khinh miệt ngấm ngầm, lạnh lùng phủ nhận. 
Tương tự trong bộ phim Bà Đầm Thép do Meryl Streep thủ vai nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher, khi đã về già và được một người phụ nữ tôn vinh là truyền cảm hứng cho nữ giới. Margaret Thatcher đã đáp lại
“Vào thời đại của tôi, chúng tôi cố gắng để làm gì đó. Không phải cố gắng để trở thành thứ gì đó.”
Với những người phụ nữ mạnh mẽ tới cực đoan như Margaret Thatcher hay Lydia Tar, giới tính đã không còn là câu chuyện được đặt lên bàn tính. Trong câu chuyện của họ, chỉ có những điều họ có thể làm, và những điều họ không thể. Họ chấp nhận luật chơi, dù có thể không công bằng, và chiến thắng. Họ không phải là những người chiến đấu vì nữ quyền, vì bình đẳng, họ chiến đấu vì họ có thể. Lối suy nghĩ cực đoan thường được gắn với hình tượng nam giới nay được đặt trên người một nữ nhạc trưởng tài năng và cao ngạo như Tar. 
“Nếu tài năng của Bach có thể quy về quê quán, tôn giáo, giới tính… Thì tài năng của cậu cũng vậy…
Tiêu chí nào cậu hy vọng họ sẽ đánh giá cậu? Khả năng đọc nhạc và kỹ năng trên sân khấu của cậu, hay gì nào?”
Lydia Tar phủ nhận câu chuyện về giới tính và cho rằng mình đã được đối xử công bằng, đó là một thể hiện khác trong việc mọi thành công mà cô đạt được đều là dựa vào năng lực vượt trội của bản thân. Và trong các ngành nghề, mảnh đất nghệ thuật là nơi cởi mở nhất với tài năng. 
Ngoài làm việc với dàn nhạc, Tar còn làm giáo viên thỉnh giảng cho trường đại học Juilliard. Quan điểm nghệ thuật của cô được thể hiện rõ ràng ngay trong cuộc tranh cãi nảy lửa với nam sinh về Bach. Từ những thuyết phục nhẹ nhàng ban đầu, tới việc gợi ý nam sinh này cởi mở hơn với những sản phẩm nghệ thuật, tới việc lật bài khi hỏi nam sinh này muốn được đánh giá vì khả năng chơi nhạc hay vì xuất thân và âm thầm ám chỉ nếu phải so sánh về xuất thân thì liệu một nam sinh da màu, đồng tính như cậu có phải một lợi thế hay không. Khán giả tuỳ theo mức độ hảo cảm với Tar, có thể nghĩ cô đang phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng giới, hoặc Tar chỉ đang nói lên sự thật về thế giới khi chính bản thân cô cũng là người đồng tính.
Quan điểm về nghệ thuật chỉ nên được đánh giá bởi giá trị tự thân của chúng. Tar vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa những nghệ sĩ tôn thờ nghệ thuật, và những người sử dụng nghệ thuật để khẳng định, an ủi, thoả mãn cái tôi của bản thân mình. Với Tar, nghệ sĩ phải từ bỏ cái tôi, từ bỏ danh tính, để bản thân hòa mình trong điệu thánh ca của nghệ thuật.
Tar Lydia được mô tả như một thiên tài trong thế giới âm nhạc, cô dành được Emmy, Grammy, Oscar và Tony. Sự nghiệp của Tar đang ở đỉnh cao, sức hút và lý lẽ của cô áp bức người đối diện. Tar giữ vai trò của một kẻ gác đền, ngôi đền âm nhạc. Sự bất chấp của Tar cho cái đẹp giải thích cho sự thành công của cô trong nghệ thuật, và một lời tiên tri cho những tai tiếng trong đời tư không thể tránh khỏi của cô khi sở hữu một cá tính như vậy. 
Xuyên suốt bộ phim khán giả không tìm thấy một cá tính nào đủ mạnh để đối đầu với Tar. Cô rạch ròi giữa đúng và sai, giữ lý tưởng và thực tế bắt buộc phải vậy. Như khi nói chuyện về việc cân bằng lại giới tính trong nhóm Accordion toàn nữ mà Tar điều hành, cô gật đầu đồng ý việc bỏ qua ý định này vì nó có thể ảnh hưởng tới khoản tiền đóng góp từ những nhà bảo trợ nữ quyền.
Tất cả với Tar là sự lựa chọn và đánh đổi, kể cả trong sự nghiệp hay những mối quan hệ. Tar bước lên những vị trí cao nhất trong đời nhờ vậy. Tuy nhiên với vị trí và quyền lực của mình, những lựa chọn của Tar áp đặt lên số phận những người xung quanh cô. Ranh giới của sự thuyết phục, mê hoặc và cưỡng ép mong manh như thế, mà có lẽ trong phút chốc chính những người trong cuộc cũng không thể phân định rõ. Khả năng của Tar trở thành lời nguyền lên chính cô, một con người với quá nhiều sức mạnh và quyền lực.
Tar loại bỏ Allan Corduner, vị phó nhạc trưởng đã phục vụ lâu năm cho dàn nhạc. Trước sức ép của những lời cáo buộc, cô loại bỏ Francesa, trợ lý của mình, người đã đi theo cô để chờ đợi được bổ nhiệm cho vị trí đó. Tar tán tỉnh nghệ sĩ Cello trẻ người Nga, và tạo cơ hội cho cô lấy được vị trí độc tấu trong dàn giao hưởng. Tar đe dọa cô bé con đã bắt nạt con gái mình. Tar có tất cả quyền lực và sự bất chấp đạt được mục đích để tạo nên một tên bạo chúa. Đó là cơ sở cho khán giả nghi ngờ về cáo buộc lạm dụng tình dục và khiến một học sinh cũ của Tar tự tử. 
Tar bị đuổi việc, mất đi vị trí nhạc trưởng trong bản giao hưởng số 5 của Mahler mà chính cô đã dày công chuẩn bị. Sự nghiệp của Tar chấm dứt, Tar phải chuyển sang tận nửa bên kia bán cầu để trở thành một giáo viên dạy nhạc cho trường trung học ở Thái Lan.
Đến cuối phim, Tar được những người dân bản địa chỉ đường đến một nhà thổ. Khi nhìn thấy những cô gái đứng xếp hàng dài như những món hàng chờ được giao dịch, cô vội vàng chạy ra ngoài nôn oẹ. Chi tiết phim như một lời bào chữa cho Tar, rằng cô thực sự không thể chấp nhận những hành động xấu xí như vậy. Tar tôn thờ cái đẹp, trong nghệ thuật và trong cả sự cuốn hút và hấp dẫn cái đẹp trong lối sống. 
Trong cảnh cuối cùng khi Tar hướng dẫn dàn nhạc học sinh, cô vẫn yêu âm nhạc như vậy. Bỏ qua những phương thức cực đoan để đạt được điều mình muốn, về bản chất, Tar tôn thờ âm nhạc, tôn thờ cái đẹp. Có lẽ, đó là lý do nhiều người dễ tha thứ hơn cho Tar. Và trong một thế giới của những người yêu âm nhạc, biết đâu Tar sẽ được hoàn thành buổi diễn cuối cùng trước khi bị đuổi, như cái cách Tar đã tha thứ cho Beethoven. 
Như trong đoạn phỏng vấn với phóng viên trong mở đầu bộ phim, về cách tiếp cận của cô với bản giao hưởng số 5 của Mahler. Tar đã chọn tình yêu, chính xác là tình yêu trong 7 phút. Cái đẹp bùng nổ trong một thời đoạn ngắn ngủi rồi biến mất. Đấy là cái giá mà cô phải trả, cho một cái đẹp cực đoan.

You may also like

Back to Top