"Dừng, bớt lại, Jack, bớt lại", đạo diễn và nhà sản xuất phim nổi tiếng George Cukor lặp đi lặp lại với ngôi sao sân khấu kịch Boardway - Jack Lemmon, trong bộ phim điện ảnh đầu tiên của Jack. "Bớt nữa thì tôi không diễn gì nữa đấy", Jack bực bội đáp trả. "Giờ thì anh hiểu thế nào là diễn xuất điện ảnh rồi đấy", George cười đáp. Trong "Nhà bà Nữ", Trấn Thành đã làm ngược lại, đưa sân khấu kịch lên màn ảnh.
 
Phần lớn sự nghiệp của Trấn Thành gắn liên với sân khấu, từ danh hài, MC , giám khảo trong những chương trình giải trí lớn. Khi Trấn Thành lấn sân sang điện ảnh, anh vẫn chưa bỏ lại tính sân khấu của mình. Điều ấy giải thích cho sự dễ tiếp nhận của khán giả Việt nói chung, vốn đã quen với loại hình sân khấu và sự "ức chế" của những khán giả đam mê điện ảnh.
 
Vấn đề tiết chế trong diễn xuất điện ảnh không chỉ mới lần đầu được các nhà phê bình phim Việt nhắc đến, nhưng trong "Nhà bà Nữ" các nhân vật thường trực trong trạng thái kích động và vồ vập phát tiết những biểu cảm của mình. Khác với sân khấu, các diễn viên không cần phải lo lắng về việc những khán giả không thể bắt được biểu cảm của họ từ những hàng ghế cuối cách quá xa sân khấu. Dàn diễn viên trong "Nhà bà Nữ" cần được nhắc nhở rằng khán giả điện ảnh được trang bị một màn hình đủ lớn, để mọi biểu cảm dù là nhỏ và tinh tế nhất cũng được ghi nhận.
 
Trong "Nhà bà Nữ", dễ dàng bắt gặp nhân vật đột ngột nhảy khỏi thực tại để đi vào thế giới mơ tưởng, tự tâm sự, tự thoại. Trấn Thành sử dụng những đoạn độc thoại, điển hình của sân khấu, và những dòng suy nghĩ để dẫn chuyện một cách gượng ép, thiếu phù hợp. 
 
Việc không ý thức về sự khác biệt giữa điện ảnh và sân khấu đi ảnh hưởng đến cách diễn của các nhân vật. Uyển Ân trong vai Nhi đem lại cảm giác nhừa nhựa từ đầu tới cuối phim. Từ khi ở trong ngôi nhà với gia đình, khi trong quán cà phê với người yêu, trong tố ấm mới của hai người, khán giả không tìm thấy một sự khác biệt trong sự kết nối của các nhân vật với các khung cảnh. Tất cả là những bối cảnh được dựng lên không hơn không kém, và nhân vật lướt qua các bối cảnh như một công cụ không mấy đặc sắc.
 
Những tấm mặt nạ kịch sân khấu được bê nguyên si lên màn hình điện ảnh. Cô gái mới lớn Nhi với một tình yêu mới chớm, gượng gạo và thiếu cảm xúc với John, đột nhiên chuyển hướng rẽ ngang thành một cuộc nổi loạn táo bạo với mẹ, rồi sau vài lợi tự thoại, Nhi lại hóa thành một cô gái hiểu chuyện, hiểu đời. Nhân vật bà Nữ ngang ngược, cố chấp xuyên suốt bộ phim, đã có thể dừng lại vừa đẹp qua câu hỏi với Nhi khi ba mẹ con làm tóc, rằng nếu bà không cưỡng ép Nhi bỏ John liệu hai đứa có bất chấp đến thế. Nhưng  đạo diễn Trấn Thành vẫn cảm thấy cần để bà Nữ trong đám cưới của mình đứng lên tuyên bố "Mẹ là một người ích kỷ...".
 
Với câu chuyện có thể tìm thấy và dễ dàng đồng cảm trong xã hội Việt, các nhân vật tất yếu có những sự thay đổi trong tâm lý qua những biến cố. Nhưng sau mỗi một khúc cua, Trấn Thành mang lại cho khán giả cảm giác sân khấu vừa đóng màn, chuyển cảnh và nhân vật đã ngay lập tức thích ức và biến thành một phiên bản khác của mình.
 
Và cuối cùng, ngôn ngữ điện ảnh trong phim của Trấn Thành xuất hiện thưa thớt và gần như không có. Các nhân vật đối thoại liên tục, liên tục, tiếp sau bởi những màn độc thoại nội tâm của nhân vật chính. Câu khẩu hiệu cần được lặp đi lặp lại cho những nhà làm phim Việt một lần nữa vẫn bị phớt lờ. "Show, don't tell" - "Cho khán giả thấy, đừng kể".
 
Tình yêu của Trấn Thành cho điện ảnh là không phải bàn cãi và độc giả Việt đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trong phòng vé. Sân khấu đã đem lại thành công cho Trấn Thành nhưng trong điện ảnh nó trở thành nhân vật phản diện cản chân những tiến bộ của anh. Để thành công hơn trong sự nghiệp đạo diễn và mang lại những giá trị tích cực cho điện ảnh Việt. "Bớt lại, Trấn Thành! Bớt lại, tiết chế lại! Và hiểu rõ điện ảnh không phải là sân khấu!"
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

You may also like

Back to Top